Trong nền kinh tế thị trường, có nhiều doanh nghiệp cũng sản xuất một loại mặt hàng giống nhau nên các chi phí có sự cạnh tranh gay gắt về chất lương, giá cả, ngoài ra sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra còn phải cạnh tranh với hàng ngoại nhập. Cho nên muốn tồn tại và phát triển được thì vấn đề đặt ra cho các doanh nghiệp là phải giảm tối đa các khoản chi phí để hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận mà vẫn đảm bảo chất lượng sản phẩm để có thể đứng bền vững trên thị trường.
Do vậy yêu cầu đặt ra là phải quản lý tốt chi phí sản xuất và giá thành sản phẩm, với phân hệ quản trị tài chính kế toán trong hệ thống Oracle ERP sẽ giúp cho doanh nghiệp quản trị một cách thuận tiện hơn.

Tập hợp chi phí Nguyên vật liệu – 621:
- Đây là các khoản chi phí thực tế phát sinh trong quá trình sản xuất được tập hợp tự động và chi tiết theo từng lệnh sản xuất
- (1’) Xuất nguyên vật liệu sản xuất: các phiếu xuất kho phục vụ sản xuất là theo thực tế tình hình sản xuất của Doanh nghiệp. Hệ thống chuyển kho từ kho NVL xuống các kho ảo ở xưởng tương ứng. Hạch toán kế toán: Nợ 152, 153,…/ Có 152, 153…
- (1) Chi phí thực tế: Khi chuyển công đoạn sản xuất hệ thống tự động kéo nguyên liệu, bao bì, hóa chất,.. từ kho ở xưởng (Kho vật tư, bao bì và kho bán thành phẩm). Khi đó hệ thống hạch toán đồng thời hai bút toán Nợ 621/ Có 152 và Nợ 154/ có 621. Nếu có thống kê NVL sử dụng thực tế ở xưởng thì ghi lại số thực tế sử dụng để hệ thống kéo chi phí theo số thực tế. Ở màn hình chuyển công đoạn có cột NVL thực tế tiêu hao. Phần nguyên liệu còn dư ở xưởng có thể được nhập trở lại hoặc để dùng cho các lệnh sản xuất sau.
- Giá vật tư, nguyên liệu, bao bì, bán thành phẩm lấy theo giá đích danh của lô đó. Với giải pháp này sẽ giúp cho đơn vị tính giá thành 1 cách chính xác nhất khi nhập kho sản xuất.
Tập hợp chi phí Lương – 622:
- (2) Chi phí định mức: Khi chuyển công đoạn hệ thống sẽ tự động tính các chi phí sản xuất (do phòng kế toán định mức trước đó ở màn hình Định nghĩa nguồn lực – Routing). Do lúc nhập kho chưa có được chi phí thực tế của 622, mà phải đến cuối tháng mới chốt được chi phí thực tế này.
- Chi phí định mức gồm từng tài khoản chi tiết của 622 và có thể chi tiết theo từng khoản mục phí. Thường định mức cho 1 đơn vị sản phẩm sản xuất ( Ký, viên, cái,…). Khi chuyển công đoạn hệ thống tự động nhân với số lượng thực tế hoàn thành ở từng công đoạn. Hệ thống lúc này hạch toán Nợ 154/ Có 622
- (2’) Chi phí nhân công thực tế: Cuối kỳ phát sinh chi phí nhân công thực tế (tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm,…) và hạch toán cho từng bộ phận sản xuất (phân xưởng, dây chuyển sx). Đây là chi phí tiền lương phát sinh thực tế và là căn cứ để bổ sung giá thành vào cuối kỳ. Hệ thống hạch toán Nợ 622/ Có 334, 338, 335
- Do chi phí nhân công phải tập hợp đầy đủ vào cuối tháng nên trong kỳ chỉ sử dụng chi phí sản xuất định mức. Nếu quý công ty định mức tốt thì phần chênh lệnh giữa định mức và thực tế không nhiều.
- Phần chênh lệch giữa định mức và thực tế sẽ được tiến hành phân bổ hết hoặc phân bổ một phần vào giá thành sản xuất tùy theo tình hình thực tế của Doanh nghiệp.
Tập hợp chi phí sản xuất chung – 627:
- (3) Chi phí sản xuất chung định mức: Khi chuyển công đoạn hệ thống sẽ tự động tính các chi phí sản xuất chung (do phòng kế toán định mức trước đó ở màn hình Định nghĩa nguồn lực – Routing). Do lúc nhập kho chưa có được chi phí thực tế của 627 mà phải đến cuối tháng mới chốt được chi phí thực tế này.
- Chi phí định mức gồm từng tài khoản chi tiết của 627 và có thể chi tiết theo từng khoản mục phí. Thường định mức cho 1 đơn vị sản phẩm sản xuất (Ký, viên, cái,…). Khi chuyển công đoạn hệ thống tự động nhân với số lượng thực tế hoàn thành ở từng công đoạn. Hệ thống hạch toán tự động Nợ 154/ Có 627.
- (3’) Chi phí sản xuất chung thực tế: Cuối kỳ phát sinh chi phí sản xuất chung thực tế (tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm, khấu hao, điện nước,…) và hạch toán cho từng bộ phận sản xuất (phân xưởng, dây chuyển sx). Đây là chi phí chung phát sinh thực tế và là căn cứ để bổ sung giá thành
- Phần chênh lệch giữa chi phí định mức và thực tế có thể được phân bổ toàn bộ hoặc phân bổ một phần tùy theo tình hình thực tế của Doanh Nghiệp. Các hạch toán kế toán liên quan đến chi phí sản xuất chung thực tế: Nợ 627/ Có 334, 338, 214, 111, 153,…
- Sau khi chuyển công đoạn ghi nhận các chi phí sản xuất xong user có thể xem được toàn bộ chi phí đã được chuyển công đoạn.
(4) Nhập kho thành phẩm trong kỳ giai đoạn 1:
- Do chưa triển khai phân hệ sản xuất nên sử dụng màn hình giao dịch kho để nhập kho thành phẩm. Chỉ nhập số lượng, giá thành sẽ cập nhật tự động theo bảng giá thành kế hoạch. Giá thành kế hoạch có thể là giá thành thực tế của kỳ trước để đưa vào tạm nhập trong kỳ.
- Cuối kỳ sau khi tập hợp đủ chi phí phát sinh thực tế sẽ điều chỉnh giá thành và các bút toán liên quan đến xuất kho: bán hàng, chuyển kho, xuất khác,…
- Giá thành tính theo lô sản phẩm theo từng lần nhập.
- Hệ thống tự động hạch toán Nợ 155/ Có 154
(5) Bán hàng:
- Khi xuất bán thành phẩm hệ thống có chi tiết theo lô và giá thành theo từng lô được chỉ định xuất bán.
- Hệ thống tự động hạch toán Nợ 632/ Có 155
- Nếu mặt hàng xuất bán là thành phẩm sản xuất kỳ trước (đã bổ sung giá thành) thì giá vốn là giá thực tế. Nếu là mặt hàng bán sản xuất trong kỳ (chưa bổ sung giá thành) thì giá thành là giá tạm tính do đã nhập kho ở mục số 4 – Nhập kho thành phẩm trong kỳ.
(4’) Bổ sung chênh lệch giá thành của giai đoạn 1:
- Cuối kỳ sau khi tập hợp đầy đủ chi phí 621, 622, 627 thực tế sẽ kết chuyển vào tài khoản 1541 chi tiết theo từng xưởng. Bên nợ tài khoản 1541 là tổng chi phí phát sinh thực tế, bên có tài khoản 1541 là giá trị tạm nhập trong kỳ. Nếu số dư bên nợ, nghĩa là chi phí phát sinh trong kỳ lớn hơn giá thành tạm nhập. Lúc này hệ thống sẽ điều chỉnh tăng giá thành trong kỳ (có xét đến yếu tố dỡ dang cuối kỳ). Trường hợp số dư tài khoản 1541 bên có thì điều chỉnh giảm giá thành nhập kho.
- Bổ sung giá thành là nghiệp vụ bổ sung thêm (hạch toán bên nợ bút toán 155/có 1541) hoặc bổ sung bớt (hạch toán Nợ 154/ có 155) vào các lô sản phẩm sản xuất đã nhập kho trong kỳ.
- Hệ thống sử dụng 3 phương pháp phân bổ chênh lệch giá thành: Phương pháp số lượng, Phương pháp giá trị và Phương pháp hệ số.
Với việc tự động hạch toán tại các phân hệ tự tính toán các giá thành tạm tính đến cuối kỳ so sánh và bổ sung chênh lệch, các doanh nghiệp có thể quản lý chi phí đến từng lô hàng tại từng thời điểm, nhờ đó có thể có những quyết định phân tích quản trị một cách kịp thời nhằm giảm thiểu các chi phí để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.